mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay18
mod_vvisit_counterHôm qua104
mod_vvisit_counterTuần này800
mod_vvisit_counterTuần trước380
mod_vvisit_counterTháng này1889
mod_vvisit_counterTháng trước2680
mod_vvisit_counterTổng Cộng1049841

We have: 7 guests online
IP: 18.97.9.172
 , 
Ngày 22 Tháng 3 - 2025



  CHẤT THÚC CHÍN QUẢ LÀ GÌ?

Gần đây, dư luận xôn xao sau khi một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nhiều thương lái buôn bán hoa quả ở một số nơi sử dụng một loại hóa chất có tên là Ethephon để thúc chín các loại hoa quả như chuối, mít, đu đủ, sầu riêng … và rằng loại hóa chất này chỉ được dùng để kích thích mủ cây cao su và cực độc đối với sức khỏe con người .

Thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay là rất đáng báo động, được dư luận hết sức quan tâm, nhưng việc thông tin không chính xác, thiếu minh bạch và không có cơ sở khoa học chuyên ngành về đặc tính sinh hóa và các ứng dụng của Ethephon sẽ khiến dư luận hoang mang, thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng xấu cho xã hội .

Để hiểu rõ hơn về chất này, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin khoa học về Ethephon và các ứng dụng của nó trong nông nghiệp .

 

 

Ethephon là gì ?

 

Ethephon (tên khác : Bromeflor, Arvest, Ethrel…) là chất tổng hợp có tên 2-Cloethylen phosphoric axit dạng lỏng có màu từ không màu đến hổ phách nhẹ . Nó được ổn định dạng axit và bị phá hủy ở pH lớn hơn 3,5 . Hàm lượng hoạt chất : 400mg/l, tỷ trọng 1,2g/ml, pH=3 . Nó dễ hòa tan trong nước, ít độc với người và gia súc . Thử nghiệm độ độc trên chuột cống theo đường tiêu hóa cho thấy : LD50 = 7000mg/kg . Ethephon không hại đối với ong, ít độc với cá . Khi gặp nước, Ethephon chuyển thành Etylen – một hoocmon thực vật giữ vai trò chính trong quá trình chín và quá trình già hóa của cây trồng và nông sản, nên khi phun vào cây, quả, Ethephon xâm nhập vào tế bào, bị nước có trong tế bào phân hủy thành Etylen theo phản ứng :

 

 2

 

Sự phát hiện và tác động sinh lý của Etylen trên cây trồng

 

Nhà khoa học Nga D.N.Neliubov là người đầu tiên (1901) phát hiện Etylen có ảnh hưởng đến sinh trưởng của thực vật . Vào những năm 20 của thế kỷ 20, tác động sinh lý của Etylen được phát hiện ngày càng rõ hơn, đặc biệt trong việc làm chín quả cam, quýt, chuối và nhiều quả khác (F.Denin, 1924) . Năm 1934, R.Gein đã chứng minh được : chính thực vật nói chung và cây trồng nói riêng có khả năng tự tổng hợp Etylen và đó là một sản phẩm tự nhiên của quá trình trao đổi chất trong cây .

 

Ngày nay, người ta đã thừa nhận Etylen là hoocmon của sự chín, sự già hóa và của các “stress”. Nó là một phytohoocmon duy nhất ở dạng khí . Các nhà khoa học đã chứng minh được ảnh hưởng, tác động của Etylen đến các quá trình sinh trưởng khác nhau của cây trồng như : sự phát triển và chín của quả ; sự già hóa của hoa ; sự ngủ nghỉ của củ giống và hạt giống ; sự phân hóa, sinh trưởng của rễ cây ; sự rụng cơ quan ; sự ra hoa, sự phân hóa giới tính của hoa ; sự tổn thương cơ giới và các stress ; sự già hóa của các cơ quan và toàn cây ; …

 

Ứng dụng của Etylen trong nông nghiệp

Từ lâu, các nước trên thế giới đã sử dụng Etylen trong ngành trồng trọt (trong và sau thu hoạch) để đẩy nhanh quá trình chín, gây rụng lá nhân tạo, kích thích tiết mủ cao su … Tuy nhiên, vì Etylen là một chất khí nên việc sử dụng nó trực tiếp là hết sức khó khăn .

Vì vậy, trong sản xuất nông nghiệp, người ta thường sử dụng các chất tổng hợp có tác dụng tương tự Etylen như : Ethephon, Ethrel, Bromeflor, Arvest, Vinylchlorid … Nhưng thông dụng nhất vẫn là Ethephon và Ethrel với các ứng dụng sau :

 

Làm quả chín sớm bằng Ethephon

Trên thế giới, Ethephon được sử dụng hết sức rộng rãi để kích thích sự chín của các loại quả, làm quả chín đồng loạt tạo điều kiện cho công nghệ sau thu hoạch .

Trước đây, việc sử dụng đất đèn để làm chín trái cây như cách dân gian bà con thường dùng có hiệu quả gây chín từ Axetylen thua kém Etylen đến hàng ngàn lần, hơn nữa nó không phù hợp và không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo thông lệ quốc tế đối với hàng xuất khẩu vì đất đèn độc hại với sức khỏe con người và dễ gây cháy nổ . Ethephon đáp ứng được các yêu cầu trong sản xuất hàng hóa hiện đại .

Ethephon ở dạng lỏng, khi vào trong quả, dưới ảnh hưởng của pH sinh lý của quả, Ethephon giải phóng ra Etylen gây ra sự chín của quả .

Người ta pha loãng Ethephon đến các nồng độ 0,02-0,05% rồi nhúng quả vào dung dịch trên trong 3-4 phút .Vớt quả ra, để ráo rồi ú sớm . Sau 2-7 ngày tùy từng loại quả, quả sẽ chín đồng loạt, mã quả đẹp đồng đều, tỷ lệ quả thối hỏng rất thấp .

Ngoài việc sử lý quả sau thu hoạch, Ethephon còn có thể được phun cho quả trên cây để làm quả chín đồng loạt, tiện lợi cho việc thu hoạch quả bằng máy móc cơ giới như với cà chua, ớt, cà phê, đậu tương …

Với cà phê, đậu tương, cà chua nồng độ Ethephon được sử dụng là 0,025% và phun vào lúc quả chín rộ .

Một số quả đòi hỏi các phương pháp xử lý đặc biệt như thoa nhẹ mỡ Ethephon 5% vào cuống mít tố nữ, đu đủ chúng sẽ chín đồng loạt sau 3-5 ngày . Tiêm vào phần mềm của trái mít ta với liều lượng 1-2cm3 dung dịch Ethephon 10% cho một quả lớn trung bình, quả mít sẽ chín sau 2-3 ngày .

 

Xử lý xoài bằng Ethephon 0,2-0,5%, xoài sẽ chín đồng loạt sau 3-5 ngày và cho mã quả cũng như chất lượng cao hơn, rất hiệu quả trong việc vận chuyển đi xa .

 

Nếu quất vì một nguyên nhân nào đó gần tết mà vẫn còn xanh, để làm chín nhanh quả quất cảnh dùng đúng dịp Tết Nguyên Đán cần tiến hành phun sớm Ethephon nồng độ thấp (0,01-0,015%) cho quả (chỉ phun ướt quả, hạn chế phun lên lá) và phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 10-15 ngày . Bằng cách này, người trồng quất có thể điều khiển để quất chín đúng dịp tết .

 

Xúc tiến sự ra hoa của cây trồng

Cây ăn quả của nước ta rất phong phú và đa dạng . Tuy vậy, do đặc điểm của thời tiết mà cây ăn quả chỉ ra hoa một lần trong năm . Có thêm một vụ quả thứ hai trong năm là mơ ước của nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái .

 

Từ lâu, ở nước ngoài và ở Việt Nam, Ethrel đã được sử dụng để kích thích ra hoa trái vụ cho dứa, cho xoài . Ngay từ năm 1989-1990, Tổng công ty Rau hoa quả Việt Nam (Vegetexco) đã nhập Ethrel từ Thái Lan về để sản xuất dứa trái vụ và đạt kết quả rất cao . Với liều lượng Ethrel 0,1% liều dùng 10ml/cây bằng cả 2 cách xử lý : nhỏ lên noãn cây và phun lên toàn bộ cây đều đạt tỷ lệ ra hoa 100% sau 6 tuần xử lý .

 

Để có xoài, nhãn chín vào dịp tết, vào đầu tháng 8 âm lịch (với nhãn) và đầu tháng 9 âm lịch (với xoài) người ta dùng Ethephon 0,1% phun ướt đều cho lá xoài nhãn . Lá các cây này sẽ xanh đậm hay co rúm lại một chút . Sau khoảng 30 ngày phun, hoa hình thành .

 

Hoa nhài có ý nghĩa trong sản xuất và đời sống .Từ hoa nhài có thể sản xuất ra tinh dầu nhài dùng trong công nghiệp hóa mỹ phẩm . Gặp những năm trời mưa nhiều, sinh trưởng của cây rất mạnh nên sản lượng hoa rất thấp . Để khắc phục tình trạng trên, người ta sử dụng Ethephon 0,1-0,2% để phun ướt lá nhài giúp sản lượng hoa có thể tăng lên đến 30% .

 

Kích thích sự tiết nhựa của mủ cây cao su

Mủ cao su và gỗ cây cao su sau thời kỳ khai thác là 2 sản phẩm có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao . Việc nghiên cứu các biện pháp kinh tế kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng mủ cao su là nhiệm vụ cấp bách . Ngay từ năm 1989, những thử nghiệm tác dụng đầu tiên của Ethephon do Liên Xô (cũ) sản xuất đã được tiến hành tại Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam . Kết quả cho thấy, Ethephon đã làm gia tăng đáng kể sản lượng mủ nhưng không ảnh hưởng có hại đến sự tái tạo mủ của cây . Và một quy trình kỹ thuật mới đã được Tổng công ty Cao su ban hành năm 1997, trong đó cho phép sử dụng Ethephon dưới dạng mỡ 2,5% để bôi lên vết cạo . Bằng cách sử dụng mỡ bôi Ethephon liên tục trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ khai thác mủ giúp chất lượng gỗ cao su sẽ tốt hơn .

 

Làm rụng lá nhân tạo bằng Etylen

Là một chất ức chế sinh trưởng, Etylen gây ra sự rụng lá của một số cây trồng . Trong thực tế có nhiều cây trồng cần được làm rụng lá để kích thích sự ra hoa (hoa mai, hoa đào …) và để dễ dàng thu hoạch quả (đậu tương, bông …) .

 

Dùng Ethephon 0,1-0,2% phun ướt lá đào 1 lần trước tết 45-50 ngày . Sau 5-7 ngày phun, rung nhẹ cành đào, lá đào sẽ rụng phần lớn (có thể có 1 số lá non không rụng, phải ngắt bỏ bằng tay) . Sau 40-45 ngày sau khi lá rụng, hoa đào sẽ nở rộ vào dịp Tết Nguyên Đán .

 

Etylen và sự già hóa của cơ quan và của cây

Các cây trồng muốn ra hoa đúng dịp mong muốn cần phải có một “bộ lá đủ già” . Quất cảnh, vải, nhãn là những ví dụ điển hình . Bằng cách phun Ethephon 0,01-0,05% lên lá non của các cây trồng kể trên, có thể làm cho các cây này ra hoa được một cách dễ dàng .

 

Với quất người ta phun Ethephon trước khi đảo ít nhất 10 ngày và với vải nhãn cần phun sớm khi lộc chưa xòe lá (vẫn ở dạng lá dăm) .

 

Làm tăng tỷ lệ hoa cái ở các cây họ Bầu bí (Cucurbitaceae)

Bằng việc xử lý hạt giống cây họ Bầu bí bằng Ethephon nồng độ 50-250ppm, các cây trên có thể cho 100% hoa cái . Do đó năng suất và sản lượng các cây trồng này được nâng cao rõ rệt (gấp 3 lần) .

 

Như trên đã trình bày, những ứng dụng của Ethephon là rất to lớn trong sản xuất nông nghiệp ở nhiều nước và cả ở Việt Nam .

 

Ethephon được chính thức đưa vào sử dụng trong nông nghiệp Việt Nam như thế nào ?

Cách đây gần 20 năm, để thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam, với hơn 70 % dân số sống bằng nghề nông, Nhà nước đã có những chính sách thúc đẩy việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp nước ngoài vào Việt Nam . Một trong các dự án đó là “Chuyển giao sản xuất thử nghiệm và ứng dụng chế phẩm Ethephon từ Cộng Hòa Liên Bang Nga vào Việt Nam” . Căn cứ vào chương trình hợp tác khoa học công nghệ với Liên Bang Nga được ghi trong Nghị định thư tại khóa họp lần II của ủy ban Hợp tác Khoa học Công nghệ Việt Nga, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ & Môi trường có quyết định số 1647/QĐ-QHQT ký ngày 26/9/1995 giao cho Viện Sinh học Nhiệt đới thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên Và Công nghệ Quốc gia thực hiện dự án .

 

Với sự phối hợp của các đơn vị tham gia thực hiện dự án phía Việt Nam gồm : ĐH Nông nghiệp 1 (Hà Nội), Vườn cây ăn trái huyện Long Thành – Đồng Nai, Trung tâm Khuyến nông và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình thuận, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Miền Nam – Bộ môn Đất phân, Cty Thuốc sát trùng Việt Nam VIPESCO – Trung tâm Nghiên cứu Khuyến Nông, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam – Bộ môn Sinh lý Khai thác, Nông trường Cao su Krông Búk – Tỉnh Đắc Lắc …dự án đã hoàn thành và được nghiệm thu cấp cơ sở ngày 21/8/2001 ; được Hội đồng Nghiệm thu cấp Nhà nước nghiệm thu ngày 13/11/2006 .

 

Các kết quả nghiên cứu của Dự án được các Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và cho phép triển khai ứng dụng với các ứng dụng chính là :

 

1.     Sử dụng Ethephon để điều khiển quá trình ra hoa kết trái của cây trồng theo ý muốn của nhà nông nhằm rải vụ và nghịch vụ các loại cây trái để tránh trái cây chín tập trung trong một thời gian quá ngắn, thất thoát nhiều và bị rớt giá ; nhằm phục vụ cho xuất khẩu quanh năm như xoài, nhãn, thanh long …

 

2.     Sử dụng hiệu quả cho công nghệ sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm đẹp, đồng đều, chống thất thoát, chất lượng tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và trái cây Việt có khả năng cạnh tranh được với trái cây của các nước trong khu vực .

 

     Ethephon có rất nhiều ứng dụng để điều khiển các quá trình sinh trưởng của cây và trái chứ không chỉ gói gọn trong việc kích thích ra mủ trên cây cao su như một số bài báo đã đưa tin . Ở nước ta, Ethephon được phép sử dụng trong phân bón và điều này được ghi rõ trong Danh mục các chất điều tiết sinh trưởng được phép sử dụng trong phân bón ban hành kèm theo Thông tư số 36/2010/TT-BNNPTNT ngày 24/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn .

 

Như vậy, bước đầu có thể loại bỏ lo ngại về tác hại của Ethephon gây ra trong quá trình rấm chín hoa quả .Ở đây, chúng tôi muốn cung cấp thêm một số thông tin chính xác về chế phẩm Ethephon để mọi người hiểu rõ hơn về đặc tính sinh hóa cũng như các công dụng của nó trên cây trồng và yên tâm khi sử dụng các loại trái cây rấm chín .

 

Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng, dù là trái cây hay rau củ, nên rửa sạch trước khi sử dụng . Đồng thời, chúng tôi muốn khuyến cáo các nhà vườn và các thương lái trái cây nên rấm chín trái cây ở giai đoạn gần chín, không nên rấm lúc trái còn non ; nên sử dụng đúng giai đoạn, đúng liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ; nên sử dụng sản phẩm có thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đó cũng chính là cách thể hiện lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội vì sức khỏe của cộng đồng . Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm lành mạnh hóa thị trường và ổn định tâm lý người tiêu dùng .


            TSKH. TRẦN HẠNH PHÚC

 

 

 

 

 

SẢN PHẨM MỚI